Đi Mỹ
Đi Mỹ
(Tặng tất cả người mẹ đi Mỹ theo diện HO)
Cả gia đình ông Thành tối nay dường như không ai ngủ được. Bốn đứa con thì đã vào phòng ngủ lâu rồi nhưng đèn vẫn còn sáng. Bà Mai, vợ ông Thành, thì cứ đi ra đi vô phòng ngủ đến chỗ của những cái vali, mở ra rồi xem xét gì đó rồi lại kéo lại.
Đêm nay là đêm cuối cùng trong căn nhà này mà họ đã cư ngụ được 6 năm sau khi ông Thành được trả về đoàn tụ với gia đình sau 10 năm học cải tạo trong tù. Đây là căn nhà mà gia đình ông Thành thuê sau khi họ phải bán vội căn nhà từ đường để có tiền xoay xở lo giấy tờ sang Mỹ định cư. Sáng mai là ngày gia đình ông Thành lên phi trường qua Mỹ theo diện H.O. — một chương trình định cự tại Mỹ theo diện nhân đạo.
Ông Thành nói vọng ra, “Em ơi sao không đi ngủ mà cứ đi ra đi vô xét mấy cái vali hoài vậy’.”Em đâu có xét gì đâu”, Bà Mai trả lời. Ông Thành nói tiếp, “Mình đi qua Mỹ trắng tay chứ đâu có vàng bạc gì đâu mà em phải xét tới xét lui. Tất cả giấy tờ quan trọng và giấy tờ học vấn của con anh đã có trong xách tay của anh đây. Ông Thành nói thêm mấy câu để cho Bà Mai an tâm, “Mình đã có đầy đủ mọi thứ rồi – thôi đi ngủ đi để còn phải thức dậy 6 giờ sáng để lên phi trường.” Tuy ông Thành nói với vợ như vậy, nhưng thật ra ông ta cũng đang trằn trọc, không chớp mắc được vì ông ta cũng đang cảm thấy cô đơn và đang cần có người vợ nằm bên cạnh.
Cả tuần nay ông bà Thành và hai người con lớn của ông bà đều thức rất khuya vì ai cũng bận rộn lo đủ chuyện. Ông Thành thì lo thư từ liên lạc với bạn bè đã qua Mỹ trước gia đình ông, nhờ bạn bè giúp ông tìm việc làm chung với họ trong một khách sạn 5 sao ở vùng Los Angeles, tiểu bang California. Ông thường nói việc gì ông cũng làm được và không chê việc gì cả. Mười năm lao động đầy khổ nhục trong trại cải tạo đã tận diệt bản tánh quan quyền của ông đã lâu. Bây giờ thì ông Thành chỉ còn nhìn đời qua cái bao tử và tương lai của bốn đứa con. Ông thường nói với gia đình là việc gì có đủ tiền trả tiền nhà và mua thức ăn cho gia đình là ông làm. Bà Mai thì hay lo lắng, than thở với chồng về trở ngại Anh ngữ của bà.
Khi ông Thành bị bắt đi học cải tạo trong tù thì một mình bà lao đầu vào việc buôn bán để sinh sống vì cả 2 đứa con còn quá nhỏ – Hòa, 4 tuổi và Lan mới vừa hơn 1 tuổi. Thêm vào đó bà còn phải thăm nuôi ông Thành thường xuyên, vậy mà bà không sợ chút nào. Bây giờ thì khác. Bà biết khi qua Mỹ thì sẽ không còn buôn bán lặt vặt nữa vì bà không biết tiếng Mỹ, và hơn nữa, ở Mỹ không có chợ như ở Việt Nam. Bà cảm thấy chới với như con gà rừng, vừa bị cắt lông cánh, hết có thể bay đây bay đó kiếm thức ăn cho bầy gà con. Mặc dầu buôn bán không phải là nghề chính của bà, nhưng bà kiếm ăn được cho cả gia đình trong suốt 10 năm ông Thành học tập cải tạo.
Sau khi ông Thành được đoàn tụ với gia đình thì cũng chỉ có một mình bà gánh vác tất cả công việc tề gia nội trợ trong gia đình. Mặc dầu ông Thành đã trở về với gia đình nhưng ông ta không giúp bà được những gì trong việc buôn bán mà tối ngày ông chỉ lo giấy tờ xin định cư tại Mỹ. Sau một năm được đoàn tụ với gia đình thì ông bà Thành có thêm một cháu trai tên Hưng, rồi hai năm sau lại có thêm một cháu trai nữa tên là Thịnh. Gia đình ông Thành có tất cả 4 người con, tuy nhiên chỉ có một mình bà Mai tiếp tục buôn bán còn Hòa và Lan phụ giúp mẹ lo cho hai em nhỏ ở nhà. Rất may là sự buôn bán của bà khá hơn trước nên kinh tế gia đình cũng dễ thở mặc dầu có thêm mấy miệng ăn.
Sau khi đã được chấp thuận cho phép sang Mỹ định cư thì bà thôi buôn bán. Bây giờ thì bà cảm thấy tay chân như thừa. Đôi lúc bà cảm thấy lẻ loi một mình vì nghỉ đến sau khi qua Mỹ, tất cả mọi chuyện sinh hoạt trong gia đình đều do chồng bà và các con gánh vát. Bà chỉ còn một nhiệm vụ duy nhất là lo cơm nước cho gia đình, còn khi nào đi ra ngoài thì phải có ông Thành hay các con đi theo. Ông Thành thường an ủi bà là ông đã có bạn bè hứa giúp tìm việc làm chung hãng với họ khi qua Mỹ, nhưng bà vẫn lo âu bất tận. Bà Mai nữa mừng cho tương lai của con cái vì được đi Mỹ, nữa lo vấn đề sinh nhai của gia đình vì từ xưa đến nay đó là trách nhiêm của bà. Bà Mai cố tự an ủi…ít nhất trong gia đình bà, ông Thành, Hòa và Lan biết nói tiếng Mỹ vì chúng đã cố gắng học Anh văn cấp tốc để chuẩn bị đi Mỹ sau khi ông Thành được trả tự do. Còn bà thì chỉ được hai con lớn dạy cho vài chữ phòng thân như “hello”, “good-bye” và “thank you”.
Lan, đứa con thứ hai của ông bà Thành thì rất mừng được đi Mỹ vì nó biết niên khóa tới nó sẽ học lớp 12 ở trường Mỹ và sẽ học đại học như anh của nó. Hai đứa nhỏ nhất, Hưng và Thịnh thì còn quá nhỏ và tối ngày cứ nói đùa hai tiếng “đi Mỹ”. Tuy nhiên, Hòa, đứa con trai lớn nhất, 20 tuổi, vừa học xong năm thứ hai đại học ngành Kỷ Sư Vi Tính và đang có người yêu thì không mừng ra mặt. Nếu Hòa có mừng được đi Mỹ, thì cũng không để lộ ra mặt. Bích, cô bạn gái của Hòa, cũng vừa học xong năm thứ nhất văn khoa; hai người suốt ngày cứ quấn quít bên nhau cả tuần nay. Nếu Bích không lại nhà giúp Hòa, thì hai người đi phố suốt ngày. Tối về thì hai người cứ ra công viên gần nhà trò chuyện mãi đến khuya mới về.
Cuối cùng thì chuyện gì đến sẽ đến. Ngày lên đường qua Mỹ, đối với Hòa, dường như nó đến quá nhanh. Hai đứa em nhỏ của Hòa thì mới vừa được đánh thức dậy trong khi ông bà Thành, Hòa và Lan đã chuẩn bị sẳn sàng khi Bích lái xe Honda lại nhà để tạm biệt. Gương mặt của Bích trong hơi buồn và cặp mắt dường như hơi sưng vì có lẽ Bích suốt đêm không ngủ và đã khóc rất nhiều. “Thưa Ba, con đi với Bích gọi xe Taxi đây.” Nói xong, Hòa quay qua Bích, “Em lái đi”, rồi anh ta gác chân lên xe, ngồi sau lưng ôm Bích sát vào lòng, vùi mặt hôn tóc nàng như không muốn xa nhau.
Jim Huynh
May 23, 2011